Tổng Quan Về Nước Mỹ - Phần 2

Phần 1 chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về vị trí địa lý, diện tích cũng như lịch sử hình thành nước Mỹ. Phần tiếp theo này chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ cấu hoạt động của bộ máy chính phủ nước này, để có thể hiểu rõ luật pháp nơi mình sinh sống.

Chính trị

Mỹ là nước Cộng hòa Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập. Theo Hiến pháp Mỹ, quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Các cơ quan nhà nước liên bang Mỹ hoạt động trên nguyên tắc ‘kiềm chế và đối trọng’ (check and balance), trong đó Hiến pháp Mỹ quy định quyền cụ thể của một cơ quan để kiểm soát chéo hai cơ quan còn lại. Hiến pháp Mỹ quy định rõ các quyền thuộc về nhà nước liên bang và chính quyền tiểu bang, trong đó các chính quyền tiểu bang có nhiều quyền hạn lớn. Mỹ theo chế độ đa đảng, Đảng Dân chủ (thành lập năm 1828) và Cộng hòa (thành lập năm 1854) thay nhau nắm chính quyền. Từ sau Chiến tranh thế giới II, đã có 9 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ và 9 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa.
Nước Mỹ theo chế độ đa đảng
Nước Mỹ theo chế độ đa đảng

Chính phủ Liên bang

Tổng thống nắm quyền hành pháp, có quyền hạn của nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền phủ quyết các điều luật do Quốc hội thông qua và để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống cần 2/3 số phiếu của cả hai viện của Quốc hội. Nhiệm kỳ Tổng thống dài 4 năm. Kể từ 1951, mỗi Tổng thống chỉ được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng thống bổ nhiệm các Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng và phải được sự đồng ý của Thượng viện.

Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và thương mại giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang của Mỹ có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.

Quốc hội gồm hai viện

Thượng viện: Gồm 100 Thượng nghị sĩ. Mỗi bang có hai Thượng nghị sỹ với nhiệm kỳ sáu năm. Phó Tổng thống giữ chức danh Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ phiếu quyết định trong tình huống bất phân thắng bại (50/50).

Hạ viện gồm 435 Hạ nghị sỹ, 22 ủy ban và 7 ủy ban đặc biệt. Mỗi bang có ít nhất một Hạ nghị sỹ, còn lại căn cứ theo số dân của bang đó. Các Hạ nghị sỹ có nhiệm kỳ hai năm. Vào các năm chẵn, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội, bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện.

Toà án tối cao: Gồm 1 Chánh án và 8 Thẩm phán, đều do Tổng thống chỉ định với sự chấp thuận của Thượng viện, nhiệm kỳ suốt đời.
Quốc hội Mỹ - nơi đưa ra những chính sách có ảnh hưởng đến cả thế giới

Kinh tế

Mỹ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới. Mỹ có nền kinh tế hỗn hợp, các tập đoàn và công ty tư nhân có vai trò quan trọng trong khi Chính phủ có xu hướng hạn chế tác động vào nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 khoảng 17.900 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 24% GDP toàn thế giới; GDP theo đầu người là khoảng 54.629 USD. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 19%, nông nghiệp 1%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ chiếm hơn 30% GDP, là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới. Các bạn hàng buôn bán lớn nhất của Mỹ năm 2014 lần lượt là Canada, Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh. Thâm hụt thương mại còn ở mức cao liên tiếp trong gần 2 thập kỷ (năm 2015: 484 tỷ USD). Cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2009 đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933. GDP của Mỹ giảm mạnh mà đỉnh điểm là Quý III.2008 (-6,3%) và Quý I.2009 (-5,5%). Cuộc khủng hoảng này đã kéo lùi các chỉ tiêu phát triển kinh tế Mỹ (7/10 chỉ số sản xuất của Mỹ dưới mức 2002), tỷ lệ thất nghiệp lên tới xấp xỉ 10%. 
"Sức khỏe" của kinh tế Mỹ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế thế giới
Mô hình kinh tế - tài chính của Mỹ bị nghi ngờ: trước đây Mỹ được coi là thiên đường an toàn của đầu tư quốc tế, cả ngắn hạn và dài hạn; hiện nay các nước đều thận trọng khi đầu tư vào Mỹ. Các tổ chức quốc tế do Mỹ lãnh đạo hoặc chi phối, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đang bị thách thức. Kinh tế Mỹ sau khi thoát khỏi suy thoái đã duy trì đà phục hồi từ Quý III.2009 đến nay. Nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ gần đây: năm 2012: 2,2%; năm 2013: 1,9%, năm 2014: 2,4%; năm 2015: 2,4%; quý I/2016: 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tới tháng 4/2016 là 5,0%, mức thấp nhất từ 6/2008. Thâm hụt ngân sách năm 2015 của Mỹ là 439 tỷ USD (giảm 44 tỷ USD so với 2014). 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét